Răng là một vật thể sống, luôn trao đổi chất với môi trường bên ngoài. Do đó màu răng sẫm dần theo tuổi do ngấm màu từ thức ăn. Để trả lại màu răng trắng sáng, nha khoa sử dụng kỹ thuật tẩy trắng răng. Hoạt chất chính trong thuốc tẩy trắng răng là oxy già dưới dạng Hydrogen Peroxide hay Carbamide peroxide, thuốc tẩy có pH hơi acid (pH ~ 6,5), vài loại có thêm phụ gia như ion Fluoride để giảm bớt ê buốt khi tẩy răng.
>> nha khoa làm trắng răng
>> làm trắng răng ở đâu tốt
Có 2 kỹ thuật tẩy trắng răng:
Tẩy trắng răng tại nhà (Home bleaching)
Tẩy trắng răng tại nha khoa
Tẩy tại nhà: sử dụng thuốc có nồng độ từ 10% – 15%. Bác sĩ sẽ lấy khuôn và làm cho bệnh nhân một bộ máng tẩy bằng nhựa trong vừa vặn với 2 hàm răng. Thuốc được cho vào máng tẩy, sau đó mang máng tẩy mỗi ngày 2h – 3h. Phần răng tiếp xúc với thuốc sẽ trở nên trắng sau 2 – 3 ngày, tuy nhiên cần thời gian tẩy lên 7 ngày để duy trì màu răng được bền.
Tẩy tại nha khoa: sử dụng thuốc có nồng độ mạnh hơn rất nhiều (35%), thuốc được kích hoạt bằng đèn Plasma, LumaCool hoặc Lazer, cho kết quả tẩy trắng chỉ sau 1 giờ. Do nồng độ cao, thuốc rất nguy hiểm, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với nướu (sẽ gây bỏng) và mắt.
Peroxide là một chất oxid hóa mạnh, quá trình tẩy trắng diễn ra khi peroxide đi xuyên qua men và ngà răng, oxyt hoát những chất tạo màu đã ngấm vào răng. Phản ứng này gây nên cảm giác ê buốt răng, nhiều hay ít tùy thuộc sự nhạy cảm của mỗi bệnh nhân.
Tẩy trắng răng là một kỹ thuật cần được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa. Trước khi tẩy trắng, bệnh nhân nên lấy sạch vôi răng, điều trị viêm nướu, trám tạm những răng bị sâu hay lộ ngà để tránh sự nhạy cảm quá mức trong quá trình tẩy. Máng tẩy cần vừa vặn, không được cấn nướu; thuốc tẩy để vừa phải sao cho không tràn lên nướu; chỉ nên mang máng tẩy 2h – 3h mỗi ngày dù thuốc có tác dụng lâu hơn (8-10 giờ); sử dụng thuốc tẩy có chất lượng tốt. Nếu không tuân thủ những yêu cầu nêu trên, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng như tụt lợi, chết tủy răng.
Tẩy trắng răng tại nhà:
Nồng độ thuốc 10% – 15%
Thời gian tẩy 7 ngày
Chi phí ước tính 1.500.000
Kết quả: bền hơn tẩy đèn, tẩy toàn bộ mặt răng
Tẩy đèn (tại nha khoa):
Nồng độ thuốc 35%
Thời gian tẩy 1 giờ
Chi phí ước tính 2.800.000
Kém bền hơn tẩy máng, chỉ tẩy được mặt ngoài
Trong quá trình tẩy trắng và sau đó 1-2 tuần, răng rất dễ ngấm màu trở lại. Do đó để màu răng được bền, chúng ta cần kiêng những thực phẩm có màu đậm như cà phê, chocolate, nước ngọt đậm màu, cà ri v.v…
Một số điều cần lưu ý:
Sau khi tẩy trắng, thông thường sự ê buốt răng sẽ giảm dần và hết hẳn sau 3 – 4 ngày. Nếu ê buốt kéo dài, cần trở lại tái khám nơi bác sĩ điều trị. Ê buốt kéo dài có thể chỉ là sự quá mẫn cảm của bệnh nhân, nhưng cũng có thể do tai biến như kích thích tủy, bỏng nướu….
Nếu cần thay thế những miếng trám cũ đã sậm màu, chỉ nên tiến hành trám lại sau 2 tuần; lúc đó màu răng mới thực sự ổn định, lượng thuốc tẩy còn đọng lại trong ngà răng mới thoát hết ra ngoài. Trám quá sớm miếng trám dễ bong, màu không chuẩn.
Không tẩy trắng răng khi đang mang thai, đang có vết loét trong miệng, đang viêm nướu.
Một số bệnh nhân quá nhạy cảm với thuốc, bị dị ứng với peroxide, glycerin không nên tẩy trắng răng.
Thuốc tẩy trắng chỉ có tác dụng trên răng; không có tác dụng trên răng sứ, miếng trám Composite. Cần lưu ý chi phí làm lại răng giả bị phát sinh trước khi quyết định tẩy trắng răng.
Chúng ta vẫn hay lầm lẫn giữa làm sạch răng và tẩy trắng răng. Làm sạch răng bằng cơ học chỉ làm sạch vết bẩn dính ở ngoài răng nên trông răng có vẻ sang hơn. Tẩy trắng răng làm trắng răng từ bên trọng, làm màu răng thay đổi thực sự. Những kinh nghiệm dân gian như chà răng bằng bột than, vỏ cau hay nước cốt chanh chỉ làm sạch bên ngoài răng.
Những phương pháp này có thể làm mòn xước men răng do vật liệu có độ cứng hơn men răng, hoặc làm rỗ men do tính acid cao trong nước cốt chanh. Răng bị trầy xước men sau đó rất dễ bị bám màu thức ăn và rất khó đánh sạch, bề mặt men răng mất vẻ bóng láng.
Tóm lại đây là những phương pháp không nên dùng. Để làm sạch răng, bạn nên nhờ bác sĩ lấy vôi và đánh bóng răng. Bột đánh bóng nha khoa được lấy từ một loại đá mềm có độ cứng thấp hơn men răng nên không làm hại men răng của bạn.