Răng khôn là gì?
Mỗi người trưởng thành có trung bình từ 28 đến 32 răng . Ngay sau khi kết thúc quá trình thay răng sữa ở độ tuổi 11 – 12 thì mỗi người đã có đủ 28 răng của người trưởng thành tương ứng với 7 răng ở mỗi nữa bên hàm và được đánh số từ 1 đến 7. Và khi đó quá trình thay răng gần như chấm dứt cho đến khi trưởng thành.
Đến tuổi trưởng thành (vào độ khoảng 17 – 18 tuổi) thì chiếc răng cuối cùng trên cung hàm mọc lên được gọi là răng số 8 và mọc vào đúng thời điểm con người phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần nên thường vẫn được gọi là răng khôn. Răng khôn thường mọc vào tuổi 17 – 18 nhưng có thể kéo dài đến tuổi 25 hoặc mọc bất kỳ thời điểm nào sau trưởng thành.
Chính vì răng khôn mọc sau khi các răng khác đã mọc ổn định trên cung hàm và răng khôn nằm ở vùng sau nhất của xương hàm trên và dưới nên mầm răng khôn thường có hướng không ổn định và vì thể dễ dẫn đến răng khôn mọc nghiêng, mọc lệch hoặc ngầm trong xương hàm và đưa đến nhiều biến chứng như viêm nướu trùm, vắt thức ăn giữa kẽ răng khôn và răng số 7 phía trước lâu ngày đưa đến sâu răng, cũng như răng khôn mọc ngang sẽ đẩy các răng di chuyển về phía trước làm các răng cửa bị xoay và xô lệch ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Đây là một câu hỏi mà nhiều bệnh nhân đặt ra cho Bác sỹ. Và đây cũng là một câu hỏi có thể trả lời theo 2 cách. Đó là nhổ hoặc không nhổ tùy theo tình trạng của răng. Có 2 trường phái trong vấn đề nhổ răng khôn. Dựa trên một số nghiên cứu, một nhóm thấy rằng không cần thiết phải nhổ răng khôn nếu chúng không gây nguy hiểm hoặc không gây nguy hại gì cho sức khỏe bệnh nhân. Một nhóm khác cho rằng nên nhổ răng khôn vì nó có thể gây viêm nướu hoặc sâu răng cũng như nhiều vấn đề khác.
Quyết định việc lựa chọn có nhổ răng khôn hay không cho các Bác sỹ: Nếu bệnh nhân đòi nhổ răng khôn thì chúng ta cũng có thể nhổ cho bệnh nhân. Còn nếu bệnh nhân không biết là có nên nhổ hay không thì Bác sỹ cần kiểm tra tình trạng sức khỏe răng miệng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có nhiều răng sâu trong miệng (không mất răng) thì nên nhổ răng khôn để tránh răng khôn không ảnh hưởng đến các răng còn lại. Ngược lại nếu răng khôn mọc bình thường và tình trạng vệ sinh răng miệng bênh nhân tốt thì ta nên giữ răng khôn lại cho bệnh nhân. Một lời khuyên khác nữa là nếu bệnh nhân muốn nhổ răng khôn thì hãy khuyên bệnh nhân nên nhổ sớm trước tuổi 30 trước khi xương hàm đậm đặc hơn, cứng hơn và nhổ sẽ khó khăn hơn.
Một số lời khuyên cho bệnh nhân:
(1) Hãy nhổ những răng khôn mọc lệch ra ngoài hoặc vào trong, những răng khôn mọc nghiêng nhiều hay ít làm vắt thức ăn khó vệ sinh răng miệng và gây sâu răng kế cạnh.
(2) Hãy nhổ những răng khôn gây sưng đau đặc biệt là tái đi tái lại nhiều lần.
(3) Hãy nhổ răng khôn khi điều kiện vệ sinh răng miệng của cá nhân kém hoặc không có điều kiện để vệ sinh răng miệng tốt.
(4) Giữ lại những răng khôn mọc thẳng đều trên cung hàm và có thể giữ vệ sinh răng miệng tốt được.
(5) Trường hợp mất nhiều răng có thể giữ lại răng khôn để làm phần giữ cho hàm giả hoặc dùng để làm trụ cho răng sứ (Bác sỹ chỉ định).